Nguyễn Trãi

Lam Quan Hoài Cổ




Hành tận thiên sơn dữ vạn sơn
Sóc phong suy khởi mãn Lam Quan (1)
Quân vương tằng thử tư trung gián (2)
Chướng hải diêu quan thất mã hoàn (3)


Dịch Nghĩa:

Đi mãi tận nghìn non vạn núi - Ngọn núi bắc nổi lên khắp ải Lam Quan - (Bởi vì) nhà vua thời ấy chẳng nghe lời can gián của kẻ trung - (Nên từng) có cảnh con ngựa không người cưỡi trở về từ quan ải xa và vùng biển độc địa.


Dịch Thơ:

Nhớ Lam Quan Xưa

Nghìn non vạn núi, vượt muôn trùng
Gió bắc trùm quan ải lạnh lùng
Thuở ấy lời trung vua hiểu thấu
Thì đâu tủi bóng ngựa về không?


Chú thích:
(1) Lam Quan: cửa ải ở huyện Thương thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
(2) Trung gián: lời can ngăn của người tôi trung - TÁc giả ngụ ý về Hàn Dũ, quan nhà Đường dưới thời vua Hiển Tông (Trung Quốc), không được vua nghe lời can gián còn bị giáng chức và bắt đi làm thứ sử ở Triều Châu là nơi xa xôi. Hàn Dũ có bài thơ Tự Vịnh, trong đó có hai câu:

Vân hoành Tần lãnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền
(Mây giăng ngang núi Tần, nhà ở nơi đâu?
Tuyết che lấp ải Lan, con ngựa không chịu tiến bước).

Tựa đề bài thơ của Nguyễn Trãi gợi ý ải Lam này.
(3) Thất mã hoàn: con ngựa (một mình) trở về - Ý nói người trung thần bị đày ải có thể chết và con ngựa sẽ trở về không.

Được bạn: diên vỹ sưu tầm / đưa lên
vào ngày: 3 tháng 2 năm 2013

Bình luận về Bài thơ "Lam Quan Hoài Cổ"